TIN TỨC

Điệu múa cổ trang hút khán giả ở Trung Quốc

Thứ tư, 17/02/2021 09:01 GMT+7

Tiết mục múa cổ truyền có tên "Đường cung dạ yến" trong chương trình chào năm mới gây chú ý vì sự hài hước, vui nhộn và giàu yếu tố văn hóa.

Trong các bài báo đăng trên Chinadaily, khán giả dành nhiều sự chú ý cho bài viết về vở múa Đường cung dạ yến của biên đạo múa Trần Lâm. Đây là tiết mục chào mừng năm mới Tân Sửu của đài truyền hình Hà Nam (Henan TV).

Theo Chinadaily, video ghi lại tiết mục múa đã thu hút hàng chục triệu lượt xem và lọt vào top chủ đề được bình luận nhiều nhất trên Weibo. Bài múa trở thành tiết mục được chú ý nhất trong các chương trình chào năm mới ở Trung Quốc.

Bài múa lấy bối cảnh thời nhà Đường, các cung nữ phải chuẩn bị trang phục, vũ điệu để trình diễn trong buổi tiệc cuối năm. Nhóm vũ công thể hiện thuần thục các kỹ thuật múa khó của loại hình múa cổ truyền, động tác đều tăm tắp, thể hiện các hoạt động như đuổi bắt, xô đẩy, vẩy nước trêu đùa bên mặt hồ...

mua dan gian boi canh nha duong anh 1

Trả lời truyền thông Trung Quốc, biên đạo múa Trần Lâm tiết lộ bà phải tới nhiều bảo tàng để quan sát kỹ tượng về cung nữ thời Đường, từ đó lên ý tưởng về trang phục, động tác và biểu cảm cho vũ công.

Tham gia vở múa gồm 14 vũ công giỏi, được Trần Lâm chọn lựa kỹ càng. Nhóm vũ công phải mặc nhiều lớp trang phục để khiến thân hình trông đầy đặn hơn, giống hình ảnh phụ nữ thời Đường được mô tả trong sách, tranh về lịch sử. Lớp trang điểm cho vũ công cũng được vẽ theo chuẩn thẩm mỹ thời Đường với lông mày cong mảnh, má hồng đánh cao, hoa mai giữa trán, môi trái tim chúm chím và hai chấm nhỏ bên cạnh khóe miệng.

Vì mặc nhiều lớp quần áo, diễn viên múa bị đổ nhiều mồ hôi và dễ mệt hơn bình thường. "Các diễn viên vất vả vì chỉ tập luyện đôi ba lần đã đổ mồ hôi ướt đầm đìa. Nhưng họ không dám tùy tiện cởi bỏ bớt lớp trang phục bên trong", Trần Lâm nói.

Tổng đạo diễn chương trình Trần Lôi cho biết ông đã áp dụng thêm công nghệ thực tế ảo, tăng cường hiệu ứng hình ảnh cho tiết mục nhằm làm sống dậy vẻ đẹp của hoàng cung thời xưa. Các bức tranh, bình hoa cổ, nữ trang đá quý hay bối cảnh cung đình được lồng ghép linh hoạt bằng hiệu ứng ánh sáng, khiến sân khấu biến hóa liên tục.

Bên cạnh đó, phong cách vui nhộn, biểu cảm hài hước của nhóm vũ công cũng nhận được nhiều tình cảm của khán giả. Không ít khán giả nhận xét họ như tận mắt chứng kiến nền văn hóa cổ đại khi xem tiết mục Đường cung dạ yến.