TIN TỨC

Hình tượng phụ nữ chi phối toàn bộ cao trào cảm xúc trong âm nhạc Phú Quang

Thứ ba, 14/12/2021 11:00 GMT+7

Bao giờ cũng vậy, trong âm nhạc Phú Quang, hình tượng người phụ nữ, người yêu dấu là điểm nhấn chi phối toàn bộ cao trào cảm xúc.

Nhạc sĩ Phú Quang

Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, công chúng yêu âm nhạc không thể quên được những ca khúc phổ thơ của ông. Tên tuổi của Phan Vũ, Dương Tường, Hoàng Hưng, Phạm Thị Ngọc Liên, Hồng Thanh Quang, Giáng Vân, Thảo Phương, Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh... thêm sâu đậm trong làng thơ qua sự chắp cánh của âm nhạc Phú Quang.

Đó là chưa kể đến những bản nhạc phim, các bản khí nhạc, nhạc không lời và ca khúc tự viết lời. Và tựu trung lại trong mảng sáng tác nào, hình ảnh người phụ nữ, người đang và từng yêu dấu cũng thật mãnh liệt, day dứt và ám ảnh.

Đành rằng trong lời thơ đã dạt dào cảm xúc nhưng chất nhạc Phú Quang đã dẫn dụ đi đến tận cùng say đắm và cả đớn đau. Ở đó, nhân vật người phụ nữ luôn tiềm tàng những nỗi niềm, khát khao vô biên, vô tận. Nếu chỉ đọc bài thơ "Khúc mùa thu" của nhà thơ Hồng Thanh Quang mà chưa nghe bản phổ thơ của nhạc sĩ Phú Quang, hẳn hình ảnh "Người đàn bà giấu đêm vào tóc" không hoang dại đến vậy.

Ngày đó, cách đây 27 năm, tình cờ đọc được bài thơ của Hồng Thanh Quang trên báo Hà Nội mới, nhạc sĩ Phú Quang đã bị chính "Khúc mùa thu" ám ảnh. Ông phổ thơ người khác mà như thổi vào đó tâm sự tình yêu của bản thân, của một người đàn ông trước người đàn bà "ám ảnh trọn một kiếp người". Hình ảnh suối tóc người phụ nữ còn trở đi trở lại trong âm nhạc Phú Quang qua các bài "Thương lắm tóc dài ơi","Em ơi, Hà Nội phố"...

Bao giờ cũng vậy, trong âm nhạc Phú Quang, hình tượng người phụ nữ, người yêu dấu là điểm nhấn chi phối toàn bộ cao trào cảm xúc.

Bao giờ cũng vậy, trong âm nhạc Phú Quang, hình tượng người phụ nữ, người yêu dấu là điểm nhấn chi phối toàn bộ cao trào cảm xúc. Nếu trong "Biển, nỗi nhớ và em" phổ thơ Hữu Thỉnh "Em đâu phải là chiều/Mà nhuộm anh đến tím" rùng mình trong mỹ cảm về âm nhạc thì đến "Em ơi, Hà Nội phố" phổ thơ Phan Vũ "Ta còn em một màu xanh thời gian/ Từng chiều phai tóc em bay/ Chợt nhòa, chợt hiện" những nốt nhạc như mờ tỏ nỗi lòng giăng giăng, thổn thức.

Lời ru trong âm nhạc Phú Quang không ngọt ngào nhịp điệu mà run rẩy, tiếc nuối, gợi buồn, gợi thương nhớ xa xăm, hoang hoải. Sinh thời, khi phổ nhạc cho bài thơ "Im lặng đêm Hà Nội", nhà thơ Phú Quang từng hỏi ý kiến của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên thay từ "chơ vơ" trong câu "Từng hàng cây góc phố chơ vơ nhìn nhau" thành "Từng hàng cây góc phố ngây ngô nhìn nhau". Ông chớp được cảm xúc cô đơn, lạc lõng của nhân vật, nhà thơ, người phụ nữ nhưng cũng thử đặt cảm xúc, cách nhìn của mình vào ngữ cảnh của câu chuyện, bối cảnh để có điều chỉnh phù hợp.

Trong gia tài âm nhạc của Phú Quang có nhiều ca khúc phổ nhạc và phần lớn là phổ sáng tác của các nhà thơ nam. Đành rằng đồng điệu trong trầm tích cảm xúc giới tính với tác giả nam sẽ dễ dàng cho ra đời những ca khúc có chất đàn ông, thế nhưng, những bản phổ hay nhất, ám ảnh nhất của ông lại là sự kết hợp với sáng tác của các nhà thơ nữ.

Hãy thử điểm lại nhà thơ Thảo Phương với "Nỗi nhớ mùa đông", Phạm Thị Ngọc Liên với "Im lặng đêm Hà Nội", Giáng Vân với "Đâu phải bởi mùa thu". Chỉ khi tình yêu, sự trân trọng với phụ nữ đã thật đủ đầy, trọn vẹn, mới có thể nắm bắt được những rung động của trái tim phụ nữ với những nhịp đập và dự cảm tinh tế đến vậy.

Người phụ nữ trong âm nhạc Phú Quang không hồn nhiên mà trải đời, đã nếm đủ đắng cay vùi dập của cuộc đời. Và bao giờ cũng vậy, người nhạc sĩ gửi gắm vào mỗi nhạc phẩm của mình niềm thương cảm, xót xa, khao khát lý tưởng được nâng niu, che chở, nâng đỡ và xoa dịu những vết thương trần thế ấy.

Bên cạnh những ca khúc viết về tình yêu, người phụ nữ khi yêu, nhạc sĩ Phú Quang cũng viết về mẹ bằng một sự chân thành hiếm thấy. Trong ca khúc "Mẹ" đề "Tặng Mẹ tôi với tất cả tấm lòng yêu thương, kính trọng và tặng tất cả những người Mẹ đầy tấm lòng bao dung và yêu thương trong cuộc đời này, ông tự thú: "Mẹ là người đầu tiên/Người đàn bà mãi mãi/Không bao giờ phản bội/Ngay cả khi con ngu dại một đời". Hình ảnh mẹ bao dung, dịu dàng, chờ đợi còn xuất hiện trong các ca khúc "Hà Nội ngày trở về": "Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ"...

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, quê ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor, năm 1967 - 1978, ông công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch. Năm 1987, ông theo học tại Nhạc viện Hà Nội, ngành "Chỉ huy dàn nhạc". Năm 1982, ông công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng. Năm 1986, ông công tác ở Phòng Ca múa nhạc, Sở Văn hóa- Thông tin TPHCM.

Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng với hàng loạt ca khúc trữ tình, đặc biệt là về Hà Nội và mùa thu như: Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông... Ông được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong dịp Kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cuối năm 2020, ông được trao Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Năm nay nhạc sĩ Phú Quang được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước với chùm 5 tác phẩm về Hà Nội.

Ông trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8h45 ngày 8/12/2021 tại Hà Nội, thọ 72 tuổi.