Sinh ra ở huyện Châu Thành, Mỹ Tho - cái nôi của âm nhạc tài tử, ba cũng là người chơi nhạc tài tử, mẹ thuộc nhiều câu hò điệu lý, từ nhỏ Nguyễn Văn Nam đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông nhập ngũ, công tác tại tổ quân nhạc khu Tám, sau là Đoàn Văn công Mặt trận Đồng Tháp (1949). Tại đây ông bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc một cách bài bản. Một trong những người thầy đầu tiên của Nguyễn Văn Nam chính là người anh đồng hương Hoàng Việt.
TÌNH YÊU VÀ ÐỊNH MỆNH

Ông giải ngũ vì thể trạng ốm yếu và thi đỗ vào trường Âm nhạc Việt Nam năm 1959. Năm 1966, Nguyễn Văn Nam được gửi sang Liên Xô học sáng tác tại Nhạc viện Leningrad (nay là Saint Peterbourg). Và câu chuyện tình yêu bắt đầu từ tình bạn giữa chàng trai Việt tính tình dịu dàng, ít nói và cô gái Nga (gốc người Kavkaz) cá tính mạnh mẽ, sắc sảo bắt đầu. Trong bài viết công phu về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ từ 2006, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu nhắc nhiều về chuyện tình đầy kịch tính này.

 

“Âm nhạc Nguyễn Văn Nam rất Việt Nam, đặc biệt đậm màu sắc của vùng đất nơi ông sinh ra và lớn lên, kết hợp với ngôn ngữ của giao hưởng thành ra vừa lạ vừa quen. Bao giờ những nhạc sĩ lớn cũng cắm rễ sâu vào âm nhạc dân tộc, kết hợp những kỹ thuật của âm nhạc cổ điển để đưa âm nhạc dân tộc lên một tầm cao mới. Ngôn ngữ giao hưởng đã rất khó, lại còn phải phối khí rất giỏi mới ra được màu. Những cái đấy thuộc về học thuật, nhưng cái sâu xa nhất làm nên cốt cách Nguyễn Văn Nam vẫn là tình yêu với âm nhạc dân tộc, với quê hương đất nước luôn đong đầy”, Nhạc sĩ Giáng Son

Trong khi Tamara Blaeva sẵn sàng đến Việt Nam chịu đựng kham khổ thời chiến, thì Nguyễn Văn Nam buộc phải né tránh tình cảm đó. Đơn giản thời bấy giờ chính sách không cho phép kết hôn với người nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp bằng giao hưởng Tặng đồng bào miền Nam anh dũng, ông Nam về nước năm 1973, lời chia tay chỉ là mấy vần thơ đề tặng trong liên khúc Hoa mận trắng như hẹn ước mơ hồ về một ngày “đông sẽ qua, xuân nở hoa”…

Sau khi hoàn thành giao hưởng số 2 Theo dấu chân Người theo đặt hàng của Tổng cục Chính trị, năm 1974, Nguyễn Văn Nam lại được cử đi làm luận án tiến sĩ tại Nhạc viện Leningrad. Phần thưởng xứng đáng cho ông cũng là hạnh phúc bất ngờ dành cho cô. Trùng hợp đó cũng là lúc Tamara quay lại trường làm nghiên cứu sinh. Luận án tiến sĩ ngành sáng tác của Nguyễn Văn Nam là giao hưởng số 3 Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh và oratorio Hòa bình cho các dân tộc được đánh giá cao. Bản giao hưởng gây ấn tượng đặc biệt tại Đại hội Âm nhạc mùa xuân Leningrad lần thứ 12 (1976).

Tai nạn bỗng ập đến khi chuyến đi Kavkaz thăm Tamara bệnh nặng bị hiểu lầm rằng ông muốn tìm cách ở lại. Nguyễn Thị Minh Châu viết: “Lưu vong! Cái tội danh nặng nề thời đó bỗng buộc chặt vào con người chỉ một lòng trung thành với tình yêu quê hương đất nước. Oan trái chẳng thể giãi bày. Mọi cánh cửa lập tức khép kín đối với kẻ “Tây không nhận là Tây, ta cũng không nhận là ta”. Theo chị, từ đó Nguyễn Văn Nam càng có thêm mối đồng cảm “bảy nổi ba chìm”, ấp ủ nhiều năm sau để viết nên giao hưởng số 7 Chuyện nàng Kiều.

 

Những năm tháng tha hương của ông được đền bù bằng cuộc hôn nhân với Tamara - người mà ông gọi âu yếm là “xe tăng của tôi”. Với công trình Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nguyễn Văn Nam nhận thêm bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc (1981). Trong thời gian dạy học và nghiên cứu nước cộng hòa Cabardine-Boncar (thuộc Nga), ông tiếp tục có một loạt tác phẩm được trình diễn: kịch múa Việt Nam của tôi, giao hưởng thơ, tổ khúc giao hưởng Tiếng sáo, giao hưởng số 4... Ông được công nhận là hội viên Hội Nhạc sĩ Liên Xô, dù không mang quốc tịch Nga.

Sau nhiều lần trình đơn xin về nước tới các cấp không hiệu quả, năm 1988 số phận bỗng mỉm cười khi vợ chồng ông được cử làm đại biểu của Hội Nhạc sĩ Liên Xô sang thăm Việt Nam theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhờ đó người con trai duy nhất được trở về đất Tiền Giang gặp mẹ sau 23 năm xa cách. Sau lần ra mắt họ hàng đó, vợ chồng nhạc sĩ càng nung nấu quyết định trở về Việt Nam.

Song tình yêu từng giúp họ vượt qua mọi trắc trở cũng bất lực trước sự chia lìa của số mệnh. Tamara đột nhiên qua đời năm 1990. “Đối mặt với những lo toan đời thường, với bao công việc không tên cần thiết cho sinh hoạt của đứa con mới lên 7, ông càng thấm thía hơn sự hi sinh bấy lâu của vợ - một nhạc sĩ sáng tác, một tiến sĩ nghệ thuật hẳn đã có thể làm nên sự nghiệp âm nhạc rực rỡ chẳng kém gì chồng” (N.T.M.Châu). Từ năm 1991, Nguyễn Văn Nam về nước giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM. Ông kịp trở về Tiền Giang khi mẹ sắp vĩnh viễn ra đi. Được biết, mẹ ông bệnh nặng đã cấm khẩu, khi nghe tiếng gọi “Mẹ!” của con trai, bỗng bật lên được thành lời: “Con đã về”...

Năm 2016, ông bắt tay vào viết giao hưởng số 10 mang tính chất cầu siêu Những ngôi mộ không tên để ngợi ca, tri ân và truy điệu những người lính đã ngã xuống vì độc lập cho dân tộc. Ông nói: “Tôi viết để tặng đồng đội tôi, tặng người cha bị giặc Pháp bắn chết, ba ngày sau mới tìm thấy xác tại Chiến khu Đồng Tháp Mười năm 1951”. Năm 2004, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi cũng là người Tiền Giang gặp Nguyễn Văn Nam để viết bài về các danh nhân của địa phương. Hai người cảm mến nhau và đi tới kết hôn sau một thời gian quen biết. Họ có với nhau hai người con, một trai, một gái. Còn cô con gái của Nguyễn Văn Nam với Tamara vẫn sống
ở Nga.

“KỶ LỤC” KHÓ VƯỢT QUA

Nhiều đồng nghiệp, sinh viên vẫn nhớ hình ảnh giáo sư Nguyễn Văn Nam gầy gò trên chiếc xe đạp cọc cạch đến trường. “Một trong những giáo sư cuối cùng của Việt Nam vẫn đi dạy bằng xe đạp”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói. Tất nhiên sau này bác yếu không đạp xe nổi thì học sinh đến chở đi”. Để khỏi ảnh hưởng, Trần Mạnh Hùng ít nghe tác phẩm của tác giả trong nước và kể cả quốc tế, nhưng có dịp nghe giao hưởng số 3 của Nguyễn Văn Nam, anh đánh giá “rất hay”, “có thể nói tầm cỡ thế giới”.

Mười bản giao hưởng cho một đời soạn nhạc là kỷ lục chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Theo Trần Mạnh Hùng: “Viết một bản giao hưởng sẽ lấy của tác giả từ ba tháng đến nửa năm. Nếu nhạc sĩ nào thật sự yêu nghề, mỗi năm viết một cái thì có thể có mấy chục bản. Thế giới có Haydn viết cả hơn 100 giao hưởng. Nhưng ở Việt Nam để viết giao hưởng đồng nghĩa với trong thời gian đó, nhạc sĩ sẽ phải nghỉ dạy, nghỉ làm thêm. Nước ngoài người ta viết có tiền hoặc họ chỉ cần tiêu ít đi một tí, còn Việt Nam mình khác. Sáu tháng chỉ ngồi viết giao hưởng thì nhạc sĩ và gia đình sẽ gay go, sáu tháng còn lại lấy gì để sống?! Vậy nên ai dám hy sinh 10 năm để viết 10 bản giao hưởng?!”. Anh cho rằng không phải Việt Nam không có những người có khả năng, nhưng để chịu khổ, vượt qua khó khăn như thế đúng là một thách thức.

Năm 2012, Trần Mạnh Hùng được giao nhiệm vụ phụ trách hệ đào tạo ĐH Sáng tác phía Nam của trường ĐH VHNT Quân đội, anh bèn mời Nguyễn Văn Nam và Đức Trí dạy cùng. Anh mô tả: “Bác là con người hiền hậu, rất Nam bộ. Ấn tượng nhất là suốt đời dường như bác không cần gì, cần mỗi âm nhạc. Qua bác, học sinh cũng được học nhân cách của một con người trước, học âm nhạc sau”.  Nhạc sĩ Đức Trí là học trò của Nguyễn Văn Nam từ những ngày ông mới về nước cũng khẳng định thầy mình “dành hết tâm huyết dạy bảo và yêu thương học trò, nhất là đạo đức và sự lễ độ, rồi tiếp đến mới là kỹ thuật, là âm nhạc”.

Khi nhạc sĩ Giáng Son làm Thạc sĩ Sáng tác, cả nước chỉ có hai GS có thể dạy được bậc học này là Nguyễn Văn Nam và Minh Khang. Thời gian đầu chị được học Nguyễn Văn Nam mà theo Son: “Là một người vô cùng hiếm có trong thời điểm này và kể cả trước đây. Ông vì quá yêu âm nhạc, quá đam mê khí nhạc nên có thể chịu được mọi thiệt thòi về vật chất. Khổ đến đâu cũng không sợ bằng không được viết nhạc”.

Giáng Son nhiều lần đến nhà thầy nhưng lần nào cũng lạc vì căn nhà một tầng tại quận 7 sâu trong ngõ ngách rất khó tìm. “Thấy thầy ở nơi như vậy, mình cũng rất chạnh lòng, nhưng thầy hoàn toàn không nghĩ gì chuyện đấy. Hoặc nghĩ hay không không biết, vì lúc nào gặp thầy cũng rất vui, cũng chỉ nói đến âm nhạc”, Son nhớ lại. Chúng ta vẫn nghe những giai thoại về những thiên tài “đãng trí” chỉ biết đến sứ mệnh lớn trong đời mà mơ hồ chuyện cơm áo gạo tiền. Có vẻ Nguyễn Văn Nam là người như thế.

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam và mối tình xuyên quốc gia - ảnh 1
Nhạc sĩ Giáng Son và các bạn thăm nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam vào khoảng 2016
Ảnh: Tư liệu

Nhạc soạn nhạc Nguyễn Văn Nam qua đời sáng 17/5 tại nhà riêng vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi. Là đại diện tiêu biểu cho dòng khí nhạc và giao hưởng của Việt Nam, tác phẩm của ông được công diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 2003, ông là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên được Mỹ mời dàn dựng tác phẩm mới tại New York.