TIN TỨC

Sự lên ngôi của dòng nhạc underground (được hiểu là tự phát, ngầm, không chính thống) phải chăng chính là người trẻ đang tìm được tiếng nói chung với những NGƯỜI TRẺ.

Thứ tư, 14/03/2018 16:06 GMT+7

Sự lên ngôi của dòng nhạc underground (được hiểu là tự phát, ngầm, không chính thống) phải chăng chính là người trẻ đang tìm được tiếng nói chung với những NGƯỜI TRẺ.

Dòng nhạc Ballad đang bão hòa hay bị giới underground soán ngôi?

Sau một năm thị trường nhuốm màu xám xịt với những bản ballad buồn chán, thê lương như Em gái mưa, Sống xa anh chẳng dễ dàng, Đừng hỏi em... Khán giả bắt đầu tìm đến những bài hát có tựa đề ngồ ngộ, giai điệu là lạ để 'đổi gió'.

Có thể thấy khoảng thời gian cuối năm 2017, đầu 2018 đã đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của dòng nhạc do các nghệ sĩ underground thể hiện. Phần lớn đứng top trong BXH đều là những bài hát do những người trẻ tự sáng tác và thể hiện như Cùng anh, Mình cưới nhau đi, Buồn của anh, Kém duyên ... Bên cạnh chủ đề về nỗi buồn quen thuộc trong những sáng tác âm nhạc, những bài hát đến từ cộng đồng underground còn đưa khán giả 'phiêu lưu' qua những vùng âm nhạc mới, với những chủ đề tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong những cuộc đối thoại hàng ngày, những câu cửa miệng vui vẻ.

Năm 2017 đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng underground.

Năm 2017 đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng underground.

Khác với những bản ballad thống trị gần hết năm 2017, điểm chung của những bài hát của người trẻ tự 'chơi' đều ghi dấu ấn bởi phần nhạc nền bắt tai. Nếu là nỗi buồn thì không quá bi lụy, sầu thảm mà còn có chút gì đó 'tinh nghịch', vui tươi hơn một chút, còn nếu chọn những vấn đề xã hội thì lại gây 'nghiện' với phần nhạc bắt tai, khiến người nghe vừa không thể ngồi yên một chỗ mà lắc lư theo, lại vừa gật gù cảm thấy quá đúng với phần lời mang tính tự sự.

Người lạ ơi có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho hiện tượng này, khi giữ vững ngôi vương ở BXH Zing trong 7 tuần liên tiếp, đạt tới 6 triệu lợt xem trong chưa đầy 48 giờ và vượt mặt Nơi này có anh của Sơn Tùng M-TP để trở thành ca khúc đạt 100 triệu lượt xem trên YouTube nhanh nhất chỉ vỏn vẹn trong 39 ngày. Đây thực sự là một con số đáng mơ ước ngay cả với những ca sĩ hạng A V-Pop.

'Người lạ ơi' đã thật sự tạo nên cơn sốt những ngày đầu năm.

Tới khoảng đầu tháng 2 năm 2018, tưởng chừng như nhạc của giới underground đã hết 'phép màu', khi hàng loạt cái tên đình đám quay trở lại đường đua V-Pop như Trung Quân Idol, Tóc Tiên, Đức Phúc... Thế nhưng có vẻ rằng khán giả đã bắt đầu quen dần với phong cách âm nhạc mang hơi thở gần gũi của những người trẻ. Các sản phẩm âm nhạc của họ vẫn tỏ ra 'vô đối' những ngày đầu năm, dẫn chứng là bài nào ra hit liền bài đó.

Hoặc như mới đây, trong chương trình Bài hát hay nhất - Sing My Song, sân chơi dành cho các bạn trẻ tự sáng tác và hát những ca khúc của mình, đếm sơ qua chỉ 2 tập đầu tiên thì số lượng bài hát có đề tài xã hội đến từ các gương mặt quen thuộc từ cộng đồng underground đã chiếm áp đảo những bài hát bình thường về tình yêu đôi lứa. Các ca khúc đã thật sự để lại ấn tượng bởi những góc nhìn mới lạ, đầy tính nhân văn và chinh phục hoàn toàn người nghe. 4 HLV trên ghế nóng cũng không tránh khỏi những giây phút xúc động và ra sức tranh giành những thí sinh tài năng.

Đỉnh điểm là ca khúc Người yêu tôi không có gì để mặc của Lộn Xộn Band đã thực tạo nên một cơn bão tại Sing My Song khi nhận được sự thích thú của cả 4 HLV và nhận được rất nhiều hiệu ứng tích cực từ khán giả trong những ngày qua. Đoạn clip ngắn phần trình diễn của Lộn Xộn Band tại Sing My Song đã đạt gần 2 triệu lượt xem chỉ sau 5 ngày chương trình phát sóng. Điều này khiến người ta liên tưởng tới ngay một bài hát khác cũng khai thác đề tài xã hội đã làm mưa làm gió trong cuộc thi vào giờ này năm ngoái là Ông bà anh - Lê Thiện Hiếu, cũng với những ca từ đơn giản, hài hước nhưng phản ánh được những đề tài cuộc sống thú vị  xung quanh ta.

'Người yêu tôi không có gì để mặc' gây thích thú cho khán giả với đề tài mới mẻ.

Thật không ngoa khi nói rằng dòng nhạc underground chưa bao giờ nổi lên mạnh mẽ như thế. Điều này chứng tỏ khán giả đã có sự chuyển biến về khẩu vị âm nhạc, mọi người dần công nhận tài năng của người trẻ và có góc nhìn chính xác hơn về gu âm nhạc của họ.

Đề tài xã hội và tiếng nói của người trẻ trong âm nhạc

Đề tài xã hội thật sự đã xuất hiện trong V-Pop từ rất lâu qua những sáng tác của Phạm Hồng Phước, MTV, Phan Mạnh Quỳnh, Phạm Toàn Thắng... Thế nhưng phải tới thời điểm này, 'thiên thời địa lợi nhân hòa' các bài hát này mới cùng giới underground 'cưỡi tên lửa' lên top các bảng xếp hạng.

Phạm Hồng Phước - chủ nhân của hàng loạt hit mang đề tài xã hội.

Phạm Hồng Phước - chủ nhân của hàng loạt hit mang đề tài xã hội.

Khác hẳn với sáng tác về đề tài tình yêu, những sáng tác hướng về xã hội, cộng đồng là cái nhìn thực tế, thậm chí là thực dụng, về cuộc sống hằng ngày với mục đích hướng thiện. Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng từng nhìn nhận rằng những ca khúc hướng về đề tài xã hội dễ thành 'hit' bởi vì có điểm chung là được sinh ra rất tự nhiên, giống như chúng ta đang hít thở hằng ngày vậy. Nó khiến người nghe cảm thấy thật sự gần gũi và đồng cảm.

Khi người nhạc sĩ, ca sĩ biết đau với nỗi đau của những người sống chung trong cộng đồng, xã hội, biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ thì âm nhạc trong họ sẽ cất tiếng. Và tiếng nói ở đây của người trẻ là tiếng nói của thời đại, của góc nhìn các vấn đề xã hội một cách khách quan nhất. 

Trong chương trình Sing My Song, ca sĩ Bùi Caroon tâm sự rằng bài hát Người mù anh viết ra từ cảm xúc tích tụ khi mỗi ngày trên đường đi làm, bắt gặp hình ảnh một người mù đội nắng, đội mưa cầm xấp vé số trên tay với nụ cười an nhiên. Âm nhạc trong anh cứ thế tuôn trào.

Những bài nhạc tới từ cộng đồng underground có sức sống mạnh mẽ không thua gì các sản phẩm âm nhạc bình thường. Nó lan tỏa trong người trẻ khắp các diễn đàn âm nhạc và các trang mạng xã hội. Trong đó phải kể tới thánh đường của giới underground - SoundCloud (trang chia sẻ âm nhạc cá nhân được giới underground ưa chuộng hàng đầu thế giới). Tại đây, người trẻ có quyền tự tin thể hiện cá tính âm nhạc hay đơn giản chỉ là một góc nhỏ chia sẻ cảm xúc.

Thứ âm nhạc của người trẻ dễ dàng xoa dịu trái tim của những NGƯỜI TRẺ.

Nhiều năm trước làm gì có ai biết Vũ., Trang, Thái Đinh... là ai, thế nhưng chỉ bằng những cú click chuột, cộng đồng có thể nghe họ hát, kể chuyện theo cách của họ, bằng âm nhạc. Để rồi một hôm yếu lòng giữa cuộc sống bộn bề nhiều trắc trở, ta dường như lại có một người bạn tâm tình cùng ta vượt qua những nỗi đau bằng âm nhạc.

Nhìn vào âm nhạc đang khởi sắc của cộng đồng underground chúng ta lại thấy le lói thứ ánh sáng màu hy vọng nền âm nhạc nước nhà, khi vốn dĩ nhiều năm trước đây chỉ là cuộc đua một màu của những ca sĩ hạng A, hay ảm đạm bởi những bản ballad.

Kết

Nhiều người nhìn nhận âm nhạc của giới underground là âm nhạc chợ búa, thứ âm nhạc bình dân, kém sang. Thật ra trong thế giới âm nhạc không có khái niệm bình dân, cao cấp như đồ hiệu. Chỉ cần chúng ta thật sự cảm nhạc bằng trái tim thì âm nhạc thực sự không có giới hạn và khái niệm. Thứ âm nhạc ấy hàng ngày, hàng giờ là liều thuốc cho tâm hồn của nhiều người trẻ, là hơi thở cuộc sống diễn ra, là tiếng nói thời đại dưới góc nhìn của người trẻ yêu âm nhạc.